Offenbar hast du diese Funktion zu schnell genutzt. Du wurdest vorübergehend von der Nutzung dieser Funktion blockiert.
TOUR DU LỊCH BẮC NINH | VỀ CÂU HÒ QUAN HỌ BẮC NINH THẮM TÌNH
Tour du lịch Bắc Ninh, Du lịch Bắc Ninh, Tour du lịch Đền Đô, Tour lễ hội Bà Chúa Kho, Tour Chùa Bút Tháp, Tour khởi hành từ Bắc Ninh
Ngày 30/9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đến nay sau 15 năm được ghi danh, di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được bảo vệ toàn diện trước sự biến động của thời gian và không gian.
Không những thế, Quan họ còn mang một diện mạo mới, sức sống mới, hòa vào nhịp thở của thời đại, giữ vai trò thiết thực trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, một loạt hoạt động kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được diễn ra trong suốt tháng 11/2024.
Vào ngày 12/11, tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, thành phố Bắc Ninh diễn ra Chương trình gặp mặt các nghệ nhân, nghệ sỹ Dân ca Quan họ Bắc Ninh, gắn với kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Từ ngày 12-23/11, tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đồng thời tổ chức buổi trưng bày “Nét đẹp Di sản văn hóa Bắc Ninh.”
Trước đó, một trong các hoạt động của chương trình kỷ niệm đã tổ chức từ ngày 11/9 là trưng bày chuyên đề “Dân ca Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa.” Chương trình trưng bày sẽ kết thúc vào ngày 30/11.
Ngoài ra, hoạt động trưng bày tư liệu “Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Tinh hoa và bản sắc” được tổ chức tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh bắt đầu từ ngày 13-30/11; liên hoan các làng Quan họ thực hành tỉnh Bắc Ninh năm 2024 tổ chức tại Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh vào ngày 15/11; chương trình giao lưu nghệ thuật-kết nối các di sản văn hóa tổ chức tại Hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, thành phố Bắc Ninh vào tối ngày 21/11; Liên hoan du lịch, ẩm thực-làng nghề Bắc Ninh năm 2024 tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh từ ngày 14-18/11.
Đặc biệt, tối 23/11, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong 15 năm qua, bám sát chương trình hành động Việt Nam cam kết với UNESCO, tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca Quan họ.
Tỉnh ủy ban hành nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo; Hội đồng Nhân dân ban hành nhiều nghị quyết làm căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai đồng bộ, bài bản và khoa học. Cụ thể hóa chính sách, tỉnh triển khai chuỗi các chương trình hành động, đề án, dự án và đầu tư nguồn lực hàng trăm tỷ đồng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Quan họ.
Từ công tác sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn vốn cổ; tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân cho đến đầu tư phục dựng thiết chế Quan họ; mở rộng hoạt động truyền dạy và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền quảng bá, thực hành giới thiệu di sản...
Trong 15 năm qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân Quan họ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt dành nhiều nguồn lực để giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này với công chúng quốc tế.
Lĩnh vực sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn và nghiên cứu khoa học được thực hiện bài bản như: ký âm hàng trăm làn điệu cổ; tái bản và xuất bản nhiều đầu sách về văn hóa Quan họ; hoàn thiện phim tư liệu về các hình thức diễn xướng Quan họ truyền thống; hàng chục công trình nghiên cứu chuyên sâu về Quan họ ra đời; phát hành hàng chục nghìn bản đĩa DVD chương trình “Về miền Quan họ”…
Về mặt tuyên truyền quảng bá, Bắc Ninh đã và đang làm rất tốt thông qua việc tổ chức liên tiếp các chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ,” các Festival Bắc Ninh, chương trình giao lưu, giới thiệu, quảng bá di sản trong và ngoài nước... Quan họ được quảng bá với một thời lượng lớn trên phương tiện thông tin đại chúng, với nhiều kênh, tài liệu sách vở.
Công tác truyền dạy Quan họ cũng được triển khai bài bản, đa dạng mô hình như nghệ nhân truyền dạy trực tiếp tại nhà, tại cộng đồng; thành lập các câu lạc bộ Quan họ ở nhiều lứa tuổi; mở lớp tập huấn, khóa học ngắn hạn cho những người yêu Quan họ; dạy hát Quan họ trên truyền hình; đào tạo diễn viên Quan họ trong trường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Đặc biệt, từ năm học 2011-2012, Bắc Ninh đã hoàn thành biên soạn tài liệu và đưa dân ca Quan họ vào giảng dạy ở cả 4 bậc học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Hệ thống thiết chế phục vụ sinh hoạt văn hóa Quan họ cũng được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ, tiêu biểu như Công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng; đưa vào sử dụng 11 Nhà chứa Quan họ với trị giá từ 8-10 tỷ đồng/thiết chế; xây dựng 6 chòi hát Quan họ trên đồi Lim.
Bắc Ninh cũng là tỉnh đầu tiên và hiện là duy nhất trong cả nước có chế độ trợ cấp hằng tháng cho nghệ nhân Dân ca Quan họ. Ngoài ra, hằng năm tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các câu lạc bộ Quan họ tiêu biểu trong và ngoài tỉnh.
Sự ra đời của Câu lạc bộ Quan họ Măng non đã chứng tỏ một mô hình hiệu quả, góp phần nuôi dưỡng tình yêu Quan họ trong thế hệ trẻ và bảo tồn sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa xứ Kinh Bắc.
Trong kho tàng văn hóa dân gian việt Nam, Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một trong loại hình dân ca tiêu biểu nhất, phát triển đạt tới trình độ cao, hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn.
Âm nhạc của Dân ca Quan họ giàu làn điệu, mỗi làn điệu đều đạt tới trình độ ca khúc hoàn chỉnh và có phong cách riêng. Ngôn ngữ, ca từ của Dân ca Quan họ mang tính độc đáo, tạo nên nét văn hóa riêng có của quê hương Quan họ, chứa đựng đủ đầy nét sinh hoạt với những tín ngưỡng, phong tục của vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh được hình thành khá lâu đời, do cộng đồng người dân ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay của Việt Nam sáng tạo ra.
Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về thời điểm ra đời của Dân ca quan họ trong lịch sử. Đối chiếu lời của các bài quan họ trong sự phát triển của Tiếng Việt, có thể nghĩ rằng Dân ca quan họ phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỷ 18.
Dân ca quan họ là hát đối đáp nam, nữ. Họ hát quan họ vào mùa xuân,mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng.
Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ,ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo.
Có 4 kỹ thuật hát đặc trưng : Vang, rền, nền, nảy. Hát quan họ có 3 hình thức chính là Hát canh, hát thi lấy giải và hát hội. Hát quan họ gắn liền với tục kết chạ, tục kết bạn giữa các bọn quan họ, tục “ngủ bọn.”
Mặc dù các phong tục này không được thực hành nhiều như trước đây, cộng đồng cư dân các làng quan họ vẫn bảo tồn và truyền dạy nghệ thuật dân ca quan họ này.
Mỗi làng quan họ đều có lễ hội riêng. Quan họ tồn tại song hành cùng lễ hội làng, nơi mà người dân thờ thành hoàng, nữ thần, một đôi trường hợp là tín ngưỡng phồn thực.
Trong số các lễ hội làng quan họ, hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) mở vào 13 tháng giêng âm lịch, là hội lớn nhất.
Dân ca quan họ có 213 giọng khác nhau, với hơn 400 bài ca. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca, lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi, ư hư, a ha...
Dân ca quan họ chủ yếu là nghệ thuật phổ lời ca dao và thơ. Nghệ thuật này đòi hỏi phải sử dụng những tiếng phụ, lời phụ bên cạnh những tiếng chính, lời chính nhằm làm cho tiếng hát trôi chảy, bổ sung ý nghĩa cho lời ca chính, làm cho lời ca them phong phú, linh hoạt, tăng cường tính nhạc của bài ca, phát triển giai điệu, làm cho âm nhạc của bài ca trở nên sinh động, bố cục trở nên hợp lý.
Nói đến quan họ Bắc Ninh là nói đến ẩm thực quan họ. Miếng trầu/giầu của người quan họ có hai loại: giầu têm cánh phượng và giầu têm cánh quế. Cơm quan họ dùng mâm đan, bát đàn, các món ăn trong bữa cơm phụ thuộc vào tập quán của từng làng, nhưng phải có một đĩa thịt gà, hai đĩa giò lụa, thịt lợn nạc, đặc biệt không dung thức ăn nhiều mỡ để tránh hỏng giọng.
Trong trang phục quan họ có sự phân biệt: trang phục của người nữ quan họ gồm nón ba tầm hoặc nón thúng quai thao, khăn vấn tóc (khăn vấn và khăn mỏ quạ), yếm, áo, váy, thắt lưng; trang phục của người nam quan họ gồm khăn xếp, ô lục soạn, áo gồm hai loại: áo cánh bên trong và áo dai 5 thân bên ngoài, quần, dép. Chiếc ô của liền anh, cái nón của liền chị quan họ là biểu tượng chứa đựng tín ngưỡng cổ xưa của người Việt về thế giới tự nhiên: thờ linga, yoni./.
Theo kế hoạch, Hội thi Dân ca Quan họ Bắc Ninh mở rộng xuân Giáp Thìn diễn ra từ ngày 12 đến 14-3 tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di
Sơ duyệt sân thi hát đối đáp Quan họ xuân Giáp Thìn.
Hội thi gồm 2 nội dung chính: Sân khấu ca nhạc Quan họ có 9 đoàn nghệ thuật của 8 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Sân thi hát đối đáp thu hút 191 đôi liền anh, liền chị của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, trong đó có 28 đôi thi 150 câu và 163 đôi thi 50 câu. Để bảo đảm nâng cao chất lượng hội thi, giữ gìn, phát huy giá trị tiêu biểu của văn hoá Quan họ và phong trào ca hát Quan họ tại cộng đồng, Ban Tổ chức sơ duyệt lựa chọn 121 đôi vào vòng trong. Đối tượng tham gia sân thi đối đáp là các cặp liền anh, liền chị từ 18 đến 65 tuổi đang lao động, học tập và công tác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hoặc ngoại tỉnh.
Hội thi là dịp các liền anh, liền chị Quan họ, những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc giữ gìn những giá trị độc đáo của sinh hoạt văn hoá Quan họ. Qua đó, tuyển chọn, phát hiện những hạt nhân nòng cốt và tài năng trẻ trong thực hành diễn xướng Quan họ, khẳng định sức sống mạnh mẽ của phong trào sinh hoạt văn hoá và ca hát Quan họ trong đời sống đương đại.
Khánh Vân là một làng nhỏ ven sông Tô Lịch (chi lưu của sông Nhuệ) thuộc xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (trước năm 1961 thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Khánh Vân là một vùng đất có bề dầy truyền thống lịch sử từ thời dựng nghiệp của Nhà hậu Lê cho đến những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và phát triển kinh tế, xây dựng đất nước theo định hướng chủ nghĩa xã hội và đổi mới ngày nay.
Chi Họ Tô Xuân làng Khánh Vân còn giữ được 1 cuốn gia phả bằng chữ Hán do Tô Xuân Phương, cháu đời thứ 6 Chi trưởng viết năm Tân Hợi (1851) và cụ Nguyễn Bằng Đoàn ở phố Nguyệt Hồ, thị xã Hưng Yên dịch sang chữ quốc ngữ năm 1913.
Gia phả viết: Đời Thủy tổ, Cao tổ, Tằng tổ chỉ có một người - nghĩa là có 2 đời độc đinh; đến đời thứ tư có được 5 người con trai, chia thành 5 Phân chi. Gia phả liệt kê được tên từ Thủy tổ đến đời thứ 7; về 5 Phân chi, thì mang tên là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ. Thủy tổ Phúc Trung công húy là Lập sinh năm 1655. Như vậy họ Tô Xuân làng Khánh Vân đến 2015 đã có 360 năm lịch sử. Nếu chắp nối được đến Viễn tổ Phúc Kiêm phủ quân, Phúc Hòa phủ quân mà gia phả vẫn ghi ngày giỗ là 28 tháng chạp và 14 tháng tám thì thời gian còn dài hơn nữa.
Theo gia phả, sự tích tên làng Khánh Vân là do vua Lê Thái Tổ ban tặng. Trên đường tiến quân về Đông Đô, đóng quân ở Thanh Đàm (tên cũ của Thanh Trì, Hà Nội - vì Thường Tín xưa thuộc Thanh Trì) bỗng thấy điềm lạ là có áng mây kỳ lạ che trên quân doanh. Sau vua ban sắc cho xây đến thờ, đặt tên làng là Khánh Vân (mây lành).
Xem trong sơ đồ gia phả, thì vào năm 1851, chỉ tính đời thứ sáu và thứ bảy (là các thế hệ còn sống lúc đó) đã có trên 100 trai, gái (không có tên con dâu). Đáng tiếc là từ năm 1851 đến nay gia phả không được ghi tiếp để thể hiện sự phát triển của Chi họ, nhưng 5 Phân chi cũng có Chi viết tiếp được.
Dưới thời phong kiến, họ Tô Xuân là một Chi họ thành đạt. Đời thứ nhất đã xây được nhà thờ, đời thứ hai húy là Hiếu, hiệu là Phúc Tịnh công “ruộng đã có hơn 100 mẫu, giầu có vào bậc nhất, nổi tiếng ở làng”. Đời thứ ba húy là Nghị, tên là Tô Xuân Vụ, tự là Phúc Hòa, hiệu là Đôn Hậu phủ quân, khoa thi năm Bính Tý triều Cảnh Hưng thứ 17 (1756), ông và con trai thứ cùng đỗ tú tài làm quan đến chức Ngục Thừa. Ông chủ trương khuyến khích việc học của con cháu. Đến ngày giỗ Tổ họ tháng 9 có tổ chức khảo sát:
Về văn phải biết làm thơ thông thạo,
Về võ phải biết cưỡi ngựa múa đao…
Và dành ra một số ruộng tốt để cấp học điền: “Về văn từ Sinh đồ (tú tài) trở lên; về võ từ Biền sinh (tú tài võ) trở lên được cấp ruộng để tiếp tục học lên về sau nữa”.
Vì vậy, 5 người con trai ông đã có 3 người đỗ Tam trường (tú tài) đều làm quan triều Lê, riêng người con thứ ba thời Tây Sơn còn làm quanTri huyện Quỳnh Khối quản lý nghĩa quân. Con trai thứ tư có ba lần đỗ Biền Sinh; con trai thứ năm là Cai Hiệp triều Lê. Các đời sau đều có người đỗ đạt làm quan.
Người cháu đời thứ năm thuộc Chi 2, húy là Xuân Chuẩn, hiệu là Khánh Trì hai lần đỗ tú tài, ở nhà mở trường dạy học. Cùng dạy học với ông và thành bạn tâm giao có hai người nổi tiếng, đó là Phạm Đình Hổ và Phạm Quý Thích đều là người Hải Dương. Phạm Đình Hổ cùng đỗ tú tài với Khánh Trì tiên sinh nhưng có tài văn chương (tác giả Vũ Trung tùy bút), được vua Minh Mệnh mời vào cung phong chức Tế tửu. Phạm Quý Thích sau đỗ tiến sĩ năm 1779. Trong nhà thờ họ Tô Xuân hiện còn một đôi câu đối của Phạm Đình Hổ bên cạnh những đôi câu đối của nhiều bậc đại khoa.
Ngôi nhà thờ này xây từ đời Thủy tổ vào cuối thế kỷ 17. Đến năm Ảt Tỵ đời Thiệu Trị thứ 5 (1845) từ đường đã hư hỏng. Ông Tô Xuân Phương cháu đời thứ sáu Chi trưởng đã “xây lại năm gian từ đường trên nơi đất cũ”. Trong kháng chiến chống Pháp, từ đường bị đốt cháy. Hòa bình lập lại, năm 1962 được Tộc trưởng lúc đó là cụ Tô Xuân Doanh cháu đời thứ 15 xây lại. Đến năm 2005 nhà thờ đã xuống cấp lại được Tộc trưởng hiện nay, con trai cụ Tô Xuân Doanh là Tô Xuân Khánh (đời thứ 16) tổ chức xây lại rất khang trang (chi phí khoảng 100 cây vàng): Ban thờ, hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng rực rỡ. Nhiều câu đối cổ cách đây hàng trăm năm được phục chế.
Giới thiệu một số câu tiêu biểu:
Tô thủy phát nguyên trường, lịch thế bản chi tài hậu ấm.
Lung đàm lưu trạch tại, bách niên đống vũ yết dư huy.
Dòng nước sông Tô bắt nguồn dài trải qua nhiều đời, gốc và nhánh đều được bồi đắp phúc dầy.
Đầm Long nước còn chảy đó, trăm năm dường cột vẫn rạng ánh huy hoàng.
Chốn thành hoa vần thơ vẫn thầm lặng dưới bóng cây đường mùa hạ.
Trong khóm liễu, tiếng sáo vang ngát mùi hương hoa lệ ngạc.
(Đan Loan Tế tửu Phạm Đình Hổ kính soạn)
Những đôi câu đối của các bậc đại khoa, danh sĩ càng tôn thêm giá trị của ngôi từ đường vốn đã rất đẹp này.
Gia phả chỉ viết đến năm 1851 nên không biết được đầy đủ sự thành đạt của chi họ trong 100 năm tiếp theo (1851-1945).
Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, theo những người đương thời, chi họ vẫn tiếp nối và phát huy được truyền thống Tổ tiên.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Khánh Vân là một trong ba thôn kháng chiến của xã Khánh Hà (xã có 7 thôn) nên con cháu họ Tô Xuân đều tham gia kháng chiến. Tiêu biểu có cụ Tô Xuân Lãm (1907- 1999) là người đã vượt qua mọi thử thách, nhiều lần cất dấu cán bộ và tạo điều kiện cho bộ đội hoạt động trong những năm 1949 -1953.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chi họ Tô Xuân làng Khánh Vân có khoảng 60 người tham gia quân đội, công an và thanh niên xung phong, 7 người là thương, bệnh binh, có 12 liệt sĩ (thời kỳ kháng chiến chống Pháp có 10 liệt sĩ, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có 2 liệt sĩ). Có 10 người là sĩ quan cấp tá trong quân đội và công an, trong đó có 3 sĩ quan cao cấp.
Chi họ có 2 bà mẹ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là:
1) Cụ bà Trần Thị Hành (1896-1983): có 2 con trai Tô Xuân Giang và Tô Xuân Lựu là liệt sỹ.
2) Cụ bà Tô Thị Nhu (1916- 2011): có chồng và con trai duy nhất đều là liệt sĩ.
Hiện nay chi họ Tô Xuân làng Khánh Vân có khoảng 150 hộ với hơn 750 nhân khẩu, trong đó có 120 hộ với 615 nhân khẩu đang sinh sống tại làng Khánh Vân (gồm 237 nam và 378 nữ), đồng thời còn có 25 hộ thoát ly nghề nông đang sinh sống tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cùng với 12 hộ di cư lên sinh sống ở Phù Ninh (Phú Thọ) từ thời kháng chiến chống Pháp. Như vậy, Chi họ Tô Xuân là chi họ lớn nhất trong làng Khánh Vân (chiếm hơn 60% tổng số hộ trong làng).
Làng Khánh Vân còn có 4 Chi Họ Tô khác là Tô Văn, Tô Thế, Tô Đăng, Tô Quốc (có khoảng từ 10 đến 20 hộ). Các chi họ Tô này không cùng huyết thống với Họ Tô Xuân Khánh Vân, vì trong gia phả Chi họ Tô Xuân có con dâu đời thứ tư và đời thứ sáu là người Họ Tô cùng làng. Và ở làng Liễu Ngoại cùng xã Khánh Hà cũng có 1 Chi họ Tô Xuân với khoảng 40 hộ nhưng không có quan hệ huyết thống với Chi họ Tô Xuân Khánh Vân. Đây là vấn đề cần tìm hiểu thêm.
Những gia đình Họ Tô Xuân sinh sống tại làng chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, như: trồng lúa, ngô, khoai, cà, đậu, dưa chuột, các loại rau và chăn nuôi gia cầm, gia súc. Con gái và con dâu làng Khánh Vân một thời nổi tiếng chăm chỉ, hay lam hay làm. Trong khoảng 30 năm gần đây, do quá trình đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, các hộ nông dân Chi họ Tô Xuân ở Khánh Vân có thêm nghề mộc, làm khung ảnh và nhận gia công cho những chủ kinh doanh đồ gỗ ở xã Nhị Khê gần đó. Trong quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế, có khoảng gần 30% số hộ chuyển sang làm thương mại, dịch vụ, vận tải, trong đó có một số trường hợp thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty tư nhân. Các hộ có mức sống ngày càng được nâng cao, hầu như không có hộ nghèo.
Hàng năm Chi họ đều có tổ chức sinh hoạt nhân ngày giỗ Tổ hoặc ngày Thanh Minh, thành lập Quỹ khuyến học và nêu gương các học sinh có thành tích học tập tốt và đạt kết quả cao trong các kỳ thi cuối cấp hoặc thi vào các trường Đại học, Cao đẳng.
Chi họ có 5 tiến sĩ, 5 cán bộ cấp vụ (viện), trong đó có Giáo sư - Tiến sĩ Tô Xuân Dân, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội và hơn 40 người có bằng thạc sĩ, cử nhân.
Có điều tốt đẹp là trải qua gần 400 năm với 18 đời con cháu, nhưng hầu hết con trai của dòng họ đều chỉ đệm một chữ Xuân (Tô Xuân). Đúng như mấy vần thơ sau:
Chữ Tâm, chữ Đức đặng lưu truyền,
(Trích bài GIA TỘC của Tô Xuân Anh)
Họ Tô Xuân làng Khánh Vân, được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam và Ban Liên lạc Họ Tô Hà Nội, sẽ cố gắng sưu tầm tư liệu và viết tiếp gia phả từ 1851 đến nay làm tài liệu giáo dục con cháu giữ gìn và phát huy truyền thống của một Chi họ khá nổi tiếng vùng Hà Đông xưa và Hà Nội ngày nay.
Khu chợ La Tháp xã Duy Châu (Ảnh TL)
Thủy tổ của chi họ là cụ Tô Văn Mân, Tổ bà Trần Thị Hạc chính quê từ thôn An Trường, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, Quảng Nam về nhưng không rõ năm nào. Theo báo cáo của chi Họ Tô thôn An Trường thì chi họ Tô thôn Lệ Bắc là Phái 3 Đại Tô tộc An Trường. Thủy tổ là người gốc Thanh Hóa vào An Trường lập nghiệp. Gia phả bị chiến tranh thiêu hủy nên không rõ danh tính và thời gian đến lập nghiệp. Cụ Tô Văn Mân là Tổ của Phái 3 từ An Trường về đến nay là đời thứ 7, thì có thể Thủy tổ đã đã về Duy Châu định cư khoảng 200 năm.
Chi họ hiện có 3 cành 27 hộ, 135 nhân khẩu trong đó:
- 4 hộ 20 nhân khẩu định cư tại Đồng Nai
- 6 hộ 24 nhân khẩu định cư ở Đắc Lắc - KonTum.
- 2 hộ 8 nhân khẩu định cư ở Quảng Ngãi.
- 2 hộ 8 nhân khẩu định cư ở Nghệ An.
Tính từ Thủy tổ Tô Văn Mân đến hậu duệ đời nay là 7 đời. Nghề nghiệp chính là làm ruộng, đời sống bà con trong họ ổn định song vẫn còn một số hộ nghèo do già yếu, tàn tật, bệnh tật.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có 6 người tham gia lực lượng vũ trang trong đó có 3 liệt sĩ. Ngày nay con cháu đang tích cực học tập, lập thân, lập nghiệp đã có 3 cháu tốt nghiệp đại học, 1 thạc sĩ. Chi họ đã lập được gia phả từ Thủy tổ Tô Văn Mận đến đời thứ 7, đồng thời đã xây dựng xong nhà thờ họ.
Hàng năm cứ đến ngày kỵ Tổ ông 16 tháng Ba âm lịch con cháu nội tộc tập trung về nhà thờ họ cúng cụ, bàn việc họ. Ba năm 1 lần tổ chức tế lễ có đông đảo con cháu nội ngoại tộc. Trong ngày này Trưởng họ thông báo tình hình bà con nội ngoại trong Nam, ngoài Bắc, mọi người rất vui vẻ đoàn kết trên dưới hòa thuận.